Nhóm nghiên cứu đến từ trường Đại học Lund, Thụy Điển cho biết loài chim yến có thể bay trên bầu trời trong 10 tháng liên tục mà không cần hạ cánh, nghỉ ngơi và thay lông khi đang ở trên bầu trời trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Current Biology hôm 27/10, theo Science Alert.
Các nhà khoa học gắn thẻ điện tử thu nhỏ, có thể thông báo vị trí và tốc độ của con chim, lên 13 con chim yến và quan sát chuyển động của chúng trong hai năm. Ba con trong số đó không dừng chân trên mặt đất trong suốt 10 tháng. Chúng tạm nghỉ hai tháng khi tới mùa sinh sản rồi tiếp tục trở lại bầu trời. Ngay cả những con chim nghỉ chân trên mặt đất cũng có thời gian ở trên bầu trời bằng 99,5 % tổng thời gian bay di cư của chúng.
“Phát hiện này mở rộng giới hạn hiểu biết của chúng ta về sinh lý học động vật. Chuyến bay kéo dài 10 tháng là quãng thời gian lâu nhất từng được ghi nhận ở các loài chim”, Anders Hedenstrom, một thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.
Loài chim yến thông thường đã phá kỷ lục bay liên tục trong 6 tháng của chim yến Alpine (tên khoa học Tachymarptis melba). Chúng có thể bay hàng triệu km trong cuộc đời trung bình kéo dài 5,5 năm của mình, di chuyển giữa châu Âu và châu Phi qua các mùa.
“Những con chim yến có thể giống loài cốc biển, ngủ trong khi lượn. Chúng bay lên độ cao khoảng 2 – 3 km so với mặt nước biển vào lúc bình minh và hoàng hôn rồi ngủ trong khi lượn xuống”, Hedenstrom giải thích.
Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện những con chim ở trên bầu trời gần một năm đã thay lông, sau đó mọc lông đuôi và lông cánh mới khi ở trên trời. Trong khi đó, những con có nghỉ chân tại một số điểm không thay lông. Nhóm nghiên cứu cho rằng điều này có thể giải thích cho sự khác biệt trong cách bay và điều kiện chung của chúng.
Tác giả: Hiền Anh – vnexpress.net